Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng đã có sự phát triển mạnh mẽ, có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận và hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, Bảo Yên. Toàn tỉnh có khoảng 4.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối đa dạng với các sản phẩm, dịch vụ chính: Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) với 466 cơ sở; 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa), dân tộc Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Du lịch văn hóa - Khách du lịch trải nghiệm "Một ngày làm nông dân Sa Pa"; hái mận, bẻ ngô, hái quýt, lê tại Bắc Hà, Mường Khương; Lễ hội Xuống đồng của người Giáy, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội nhảy lửa của người Dao... Nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, do các mô hình du lịch cộng đồng giai đoạn đầu đều được thực hiện dưới hình thức thí điểm, thử nghiệm, theo các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ tài trợ, do vậy thiếu định hướng phát triển mang tính tổng thể, toàn diện, thậm chí một số nơi còn phát triển mang tính tự phát, vì vậy rất cần được nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp thành những bài học kinh nghiệm, để định hướng quy hoạch, tập trung nguồn lực xây dựng thành các điểm mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, để định hướng phát triển du lịch cộng đồng bài bản, ngày 05/9/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành quyết định số 2247/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” nhằm phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai mang tính tổng thể, bền vững gắn với việc xây dựng nông thôn mới đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Theo đó đề án đã đề ra mục tiêu:
* Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn ASEAN phù hợp với đặc trưng riêng có của từng khu vực, cộng đồng tạo nên điểm đến hấp dẫn khách du lịch; Mở rộng không gian, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành công nông thôn mới. Nâng cao khả năng thích ứng, sự chủ động của người dân trong xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn nói chung.
* Cụ thể đến năm 2030: Phấn đấu đón 1.700.000 lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; Tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% trong tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh.
Có 6 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN:
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Giáy;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Dền - La Ve, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa) gắn với văn hóa dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa gắn với văn hóa dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát gắn với văn hóa dân tộc Hà Nhì.
- Mô hình Du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên gắn với văn hóa dân tộc Tày;
Có 11 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ:
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa gắn với dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Lếch Dao, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, gắn với dân tộc Dao;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Tổ dân phố số 2, Thôn Lý Lao Chải cũ phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đội 3, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, gắn với dân tộc Mông.
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, gắn với dân tộc Mông;
- Mô hình Du lịch cộng đồng Thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, gắn với dân tộc Tày;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, TP Lào Cai, gắn với dân tộc Xá Phó;
- Mô hình Du lịch cộng đồng thôn Đầu Nhuần, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng gắn với cảnh quan thiên nhiên thác Đầu Nhuần.
Có 7 thôn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng theo đề án được công nhận thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu
Nâng cao chất lượng dịch vụ Homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 60 cơ sở Homestay, nâng tổng số Homestay toàn tỉnh lên 527 cơ sở; tạo việc làm cho 1.500 lao động; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đã đề ra các nhóm giải pháp:
(1). Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước.
(2). Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển.
(3). Nhóm giải pháp về quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng.
(4). Nhóm giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
(5). Nhóm giải pháp về nguồn lực tài chính.
Việc ban hành Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần đắc lực cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng, thu hút người dân và du khách theo tinh thần của chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.
Trung tâm Thông tin du lịch
Bình luận