Trên cánh đồng lúa chín vàng Trùng Khánh (Cao Bằng), tiếng nước đổ hòa cùng âm thanh trầm bổng của đàn tính, nụ cười thiếu nữ vừa nên thơ vừa hùng vĩ.
Trùng Khánh là một huyện nằm ở biên giới phía đông của tỉnh Cao Bằng. Địa danh du lịch này hội tụ sông, suối, thung lũng, thác... cùng khí hậu ôn hòa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Trùng Khánh mùa nào đẹp?
- Từ tháng 8-9, thác Bản Giốc nhiều nước và trong xanh - thời điểm đẹp nhất để ngắm thác.
- Nếu muốn kết hợp ngắm thác và ngắm lúa chín (mùa lúa chín còn gọi là mùa vàng), bạn có thể sắp xếp đến đây vào giữa tháng 9-10.
- Để ngắm hoa dã quỳ hay tam giác mạch, bạn nên đến đây vào tháng 11-12. Tháng Ba có mùa hoa lê.
- Sáng sớm và tối ở vùng núi Cao Bằng tiết trời se se lạnh, nhiệt độ có thể hạ xuống 15-16 độ C, bạn nhớ mang theo đồ ấm.
Tùy lịch trình, bạn có thể chọn lưu trú ở huyện Trùng Khánh hoặc TP Cao Bằng.
Thác Bản Giốc về phía Việt Nam thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Phần thác nằm trên lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Đức Thiên, thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Đây là một thắng cảnh ở biên giới Việt Nam, từng được xếp hạng là một trong những thác nước đẹp nhất thế giới.
Để tránh cảnh đông đúc của thác Bản Giốc, bạn nên tranh thủ ghé thác vào sáng sớm. Nếu đến đây vào buổi chiều, bạn có thể nán lại tới khoảng 19g để chiêm ngưỡng màn trình chiếu ánh sáng nghệ thuật ban đêm. Chương trình thường kéo dài 1 tiếng rưỡi - bạn có thể hỏi thăm chủ homestay để biết thời gian trình diễn chính xác.
Tham quan thác kết hợp với ngắm mùa vàng nên ngay khi đặt chân vào khu vực của thác Bản Giốc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác lớn nhất nhì nước, màu vàng trải dài của lúa, vừa hùng vĩ vừa nên thơ.
Giữa bức tranh phong cảnh tưởng như không thể tìm thấy ở hiện thực, thi thoảng bóng dáng của các cô gái Tày trong trang phục truyền thống tay cầm đàn tính di chuyển giữa cánh đồng, có người gánh những bó lúa chín vừa gặt xong, vừa đơn giản, vừa đầy sức sống.
Đàn tính là một loại nhạc cụ truyền thống của người Tày (Trùng Khánh, Cao Bằng) và một số dân tộc khác của Việt Nam và Lào. Mỗi dân tộc, có một cổ tích cổ xưa về loại nhạc cụ này, song nội dung xuyên suốt dị bản, giai thoại về đàn tính đều biểu lộ tình cảm với thiên nhiên, quê hương, đất nước.
Đàn tính gồm 3 bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô. Cần đàn càng dài thì độ vang càng lớn. Đàn tính có 3 dây được làm bằng tơ xe, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước. Nhiều người nhận xét âm thanh của đàn tính "trong trẻo, thanh thoát, như lời thì thầm của gió".
Giữa không gian bao la của cánh đồng lúa chín vàng, tiếng thác nước Bản Giốc ầm ầm chảy, tiếng đàn như lời thì thầm của gió len qua cánh đồng lúa chín, chạm vào trái tim của từng du khách.
Nếu đã đến thác Bản Giốc, bạn có thể ghé thăm hàng loạt địa danh du lịch nổi tiếng của Trùng Khánh gần đó như chùa Phật Tích Trúc Lâm - cách thác Bản Giốc khoảng 500m; khám phá vẻ đẹp của động Ngườm Ngao, cách thác Bản Giốc khoảng 4km, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Quây Sơn; du lịch làng đá Khuổi Ky với những ngôi nhà được làm bằng đá.
Nguồn: Báo Phụ Nữ
NETTOUR
Bình luận